Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

ĐỪNG NHÀO NẶN LỊCH SỬ THEO Ý MÌNH



Sơ lược về quan hệ VN- CPC nửa đầu thế kỷ 19
Đó là thời kỳ thịnh nhất (nếu xét về mặt cương thổ) trong công cuộc Nam Tiến của các triều đại phong kiến nước ta, bắt đàu từ thời Lý, Trần, Hậu Lê cho đến nhà Nguyễn.

Để hiểu hơn về bối cảnh lịch sử cũng như diễn biến của nó trong giai đoạn thời Minh Mạng cho đến đầu Thiệu Trị các bạn có thể tham khảo ở Link :
http://www.ctu.edu.vn/~dvxe/doc/Lich%20Su%20Khan%20Hoang%20Mien%20Nam%20(Son%20Nam).pdf Nói sơ lược, thời Minh Mạng, giữa Xiêm La (Thái Lan, do nhà Chakri trị vì) với Đại Nam thường xảy ra chiến tranh. Năm 1827, quân Xiêm xâm lược Vạn Tượng, vua xứ này là A Nộ (Anouvong) chống không nổi, phải cầu cứu triều đình Đại Nam.

Minh Mạng sai thống chế Phan Văn Thúy mang viện quân sang giúp nhưng bị quân Xiêm đánh bại. Năm 1828, Phan Văn Thúy và Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Khoa Hào tiếp tục đem 3.000 quân và 24 voi chiến đưa A Nộ về Trấn Ninh, rồi tiến vào Vạn Tượng (Vientiane) nhưng đạo quân Nhà Nguyễn – A Nộ lại bị quân Xiêm đập tan. Chán nản, vua Minh Mạng hạ lệnh bãi bỏ và chỉ phòng vệ ở vùng biên giới. A Nộ sau đó chạy về Trấn Ninh và bị bắt nộp cho quân Xiêm.

Quân Xiêm được đà đánh dấn vào các miền phụ cận Quảng Trị. Thống chế Phạm Văn Điển cùng Tham tán Quân vụ Lê Đăng Doanh cùng với các đạo quân Nguyễn ở Lào phải đi ngăn quân Xiêm, đằng khác gửi thư trách cứ họ. Xiêm La trả lời khiêm nhượng rồi rút quân. Tuy vậy, họ vẫn ngấm ngầm giúp Chân Lạp nổi lên chống triều đình Nguyễn hoặc lấn lướt Vạn Tượng và các xứ quy phục triều đình.

Năm 1833, theo lời kêu gọi của Lê Văn Khôi, Xiêm La mang quân vào nội địa Nam Hà và Chân Lạp, nhưng bị quân nhà Nguyễn đánh bại năm 1834.

Sau khi phá được quân Xiêm, Trương Minh Giảng cùng Tham tán Lê Đại Cương lập đồn Đại Nam gần Nam Vang (tức Phnôm Pênh) để bảo hộ Chân Lạp (Campuchia).

Cuối năm Giáp Ngọ (1834), vua Nặc Ông Chân của Chân Lạp qua đời mà không có con trai nối dõi, nên quyền bính chuyển sang cho Trà Long và Lê Kiên - hai người Chân Lạp làm quan cho Việt Nam. Đến năm Ất Mùi (1835), Trương Minh Giảng lập con gái Nặc Ông Chân là công chúa Angmey tức Ngọc Vân công chúa lên làm quận chúa. Trương Minh Giảng đổi Chân Lạp thành Trấn Tây thành, rồi chia làm 32 phủ và 2 huyện, và đặt các chức quan cai quản mọi việc quân sự và dân sự.

Do quan lại người Việt ở Chân Lạp làm nhiều điều ức hiếp, nhũng nhiễu dân Chân Lạp; do nhà Nguyễn bắt Ngọc Vân công chúa đem về Gia Định, đày Trà Long và Lê Kiên ra miền Bắc Đại Nam, dân Chân Lạp oán hận và nổi dậy chống quân Đại Nam ở khắp nơi.

Em trai của Nặc Ông Chân là Nặc Ông Độn đã làm loạn với sự giúp đỡ của Xiêm La. Quan quân nhà Nguyễn đánh dẹp không nổi, nên sau khi vua Minh Mạng qua đời, quan quân Đại Nam phải bỏ Trấn Tây thành mà rút về An Giang.
Về sau, để giữ mối hòa hiếu với Campuchia, sách sử của chúng ta ít nhắc tới điều này.


Đến xuyên tạc lịch sử nhân một sự kiện … hot
 Hình trang của trang fb Đơn Vị Tác Chiến Điện Tử

Dạo này, nhân sự việc lãnh đạo Đảng Đối Lập ở Campuchia có những phát biểu mang đầy tính thù nghịch với Việt Nam, lại do duyên cớ hacker Campuchia đánh sập một website của Sóc Trăng, một trang facebook với khá đông thành viên tên là Đơn Vị Tác Chiến Điện Tử có một bài viết với tiêu đề:

“VÌ SAO NGƯỜI CAMPUCHIA GHÉT VIỆT NAM?”
Trong bài viết đó, trang facebook này có nhắc đến giai đoạn lịch sử trên, cùng với một đoạn có thể gọi là "Tội ác của quan quân nhà Nguyễn tại Cao Miên" Bài viết có đoạn :

Nguyễn Công Trứ được lệnh, mà không phải được mà do tự xin đi qua đánh Cam. Trong đội quân này có cả đám các phạm tội quân lưu manh: Để bình định nước Cam, NCT yêu cầu triều đình thả những tên côn đồ, hung thủ hơn 3000 tên ra sung vào lính để tăng cường đội quân đàn áp Cam của Trứ, thậm chí còn sẵn sàng hứa hẹn sẽ cho phép lũ vô lại này cướp đất lập làng ở bản xử nếu thành công (Đại Nam Thực Lục chính biên, năm 1839). Nhắc đến NCT về khoản quân sự không thể quên vụ khi chiếm xong làng Trà Lũ trong cuộc đàn áp khởi nghĩa Phan Bá Vành thì bắt ngay ra 500 con gái khăc tổ tôm cho lính chơi đấy là trong nước đừng nói bên Cam còn khác như thế nào. Ngoài giết người hãm hiếp ra còn có trò chôn sống nửa người, 3 người một chụm để...bắt bếp nấu. Đập phá tượng Phật , đền chùa , đốt nhà v...v..

Kết quả là dân Cam đã căm hận càng thêm đổ dầu vào lửa nổi lên khắp nơi khiến cho quân NCT trở tay không kịp. Đành chơi trò ưa thích của ông ta là xây thành đắp luỹ, chiếm được đến đâu đắp thành đến đó khiến quân lực dàn trải, tiêu tốn ngân sách để sau này khi Pháp đánh thì Nguyễn Tri Phương chỉ biết lắc đầu "sức ta không bằng 1/10 khi xưa ". Khỏi phải nói trong năm đó NCT xin sớ đánh không nổi rút về nước để lại một hệ luỵ là mối căm thù ăn vào xương của dân Cam.”

Sự thật ra sao?

Mục đích của bài viết là gì, xin phép được nói ở đoạn kết, còn về đoạn viết này chúng tôi đánh giá là một bài viết mang tính xuyên tạc hình tượng của cá nhân cụ Nguyễn Công Trứ.

Đoạn trích trên, khi chúng tôi tham gia phản biện trên trang Đơn vị tác chiến điện tử thì được biết là trích từ "Đại Nam thực lục chính biên" và "Minh Đô Sử". Tuy nhiên, sau khi đọc mòn cuốn sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ" (nói về thời Minh Mạng) tôi nhận ra là chẳng có đoạn nào mà như lời của họ.

Còn cuốn Minh Đô Sử vẫn chỉ mới là một bản thảo của một bộ sách nào đó chưa được kiểm hiệu kĩ. Đó là một bộ sách, mục đích ban đầu là chép lại cuộc đời Gia Long, về sau mở rộng ra không chỉ là lịch sử mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Bàn về sách này GS. Trị Giáp cho rằng: “Tác giả đã biến tính chất sách sử của mình thành một bộ sách Bách khoa không đầy đủ. Nói như thế không phải là hoàn toàn chê sách Minh đô sử là vô dụng. Mặc dầu Minh đô sử còn chứa chất nhiều lệch lạc về năm tháng, về tên người, tên sách, tên đất, về sự kiện lịch sử.

Tham khảo thêm:

http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?pid=N0ZDODBGMDg&key=Sử+gia+Lê+Trọng+Hàm&type=A0&stype=0
Trang "Đơn vị tác chiến điện tử" này có vẻ tự thể hiện mình như là những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng làm việc không đàng hoàng: Bịa đặt ra các "tội ác" của Nguyễn Công Trứ đối với Campuchia và người dân Việt Nam, rồi bịa đặt thêm thêm là dẫn nguồn tham khảo từ "Đại Nam thực lục chính biên, năm 1839".

Theo "Đại Nam thực lục chính biên", năm 1839, Nguyễn Công Trứ, lúc đó là "Hữu Tham tri bộ Binh" (tức Thứ trưởng Bộ quốc phòng), không ở Campuchia mà đi đánh dẹp cướp biển người Thanh ở vùng biển ngoài khơi đồng bằng sông Hồng.



Sang năm 1849, cũng theo "Đại Nam thực lục chính biên", Nguyễn Công Trứ có trách nhiệm giữ an ninh ở vùng Trấn Tây (thực chất là vùng Đồng Bằng sông Cửu Long ngày nay). "Đại Nam thực lục chính biên" chép từ góc nhìn của Nhà Nguyễn, nên người Khmer khởi nghĩa / nổi loạn ở đây đều bị coi là giặc.

Đoạn này, "Đại Nam thực lục chính biên" cũng quả có chép một tờ trình của Nguyễn Công Trứ đề nghị Minh Mạng cho phép ông dùng thêm 3000 tù nhân làm lính bổ sung, nhưng không hề có đoạn nào nói về những tội ác rợn người của Nguyễn Công Trứ như cái trang "Đơn vị tác chiến điện tử" này bịa đặt.

Ngược lại, trong tờ trình, Nguyễn Công Trứ còn nói rõ rằng những tù nhân này không phải là những người đã phạm tội nghiêm trọng, có thể dùng dùng vào việc quân, chủ yếu là cho đi lập làng, khai hoang, khi có sự biến thì gọi vào quân ngũ.

Trang "Đơn vị tác chiến điện tử" này còn comment nhiều lần khẳng định mình đã tham khảo sử liệu gốc "Đại Nam thực lục chính biên", tỏ thái độ châm biếm những ý kiến nghi ngờ. (Sic). Nói dối không biết ngượng mồm. Giả sử việc Nguyễn Công Trứ đã từng phạm tội ác là một sự thật đi nữa, bạn chỉ có thể chứng mình điều này bằng tài liệu khác, chắc chắn không thể chứng minh bằng "Đại Nam thực lục chính biên".

Trang "Đơn vị tác chiến điện tử" này lại bịa thêm là Nguyễn Công Trứ hành xử độc ác với những người dân đi theo khởi nghĩa Phan Bá Vành. Một sự thực là: Sau khi Phan Bá Vành thất bại và tự tử, những người đi theo Phan Bá Vành đã lập đền thờ Nguyễn Công Trứ -- người dẹp loạn. Bởi Nguyễn Công Trứ đã đối xử tốt với kẻ thù, sau khi là "bên thắng cuộc": bố trí lại dân cư và hệ thống thủy lợi một cách khoa học, duy trì an ninh bằng chính sách tốt sau khi thắng bằng quân sự.

"Đơn vị tác chiến điện tử" này còn gán cho Nguyễn Công Trứ những tội ác vốn là của... Khmer Đỏ: chôn 3 người làm 1 chụm, cho lòi cái đầu lên để nấu bếp, chặt đầu tượng Phật...

Nguyễn Công Trứ là đại công thần triều Nguyễn được người dân thờ phụng nơi miếu thất. Sinh thời bên cạnh Nho giáo, ông là người tín Phật và kính Phật, lại nói từ Gia Long cho đến Thiệu Trị đều là những vị vua sùng đạo Phật, nói rằng quân nhà Nguyễn do Nguyễn Công Trứ lãnh đạo có hành vi đập phá chùa chiền, tượng Phật là một điều hết sức khó tin.

Nguyễn Công Trứ có công trong các cuộc dẹp loạn Phạm Bá Vành, Nông Văn Vân, sau khi dẹp loạn ông đều lấy việc an dân làm trọng, thế thì không có lý do nào để Nguyễn Công Trứ lệnh cho thuộc hạ thực hiện những tội ác man rợ như trên tại Cao Miên.

Việc trích sách sử không rõ ràng, làm ảnh hưởng đến hình tượng Nguyễn Công Trứ chưa đủ, tranh facebook này còn xuyên tạc "bắt ngay ra 500 con gái khăc tổ tôm cho lính chơi" thành "bắt 500 con gái cho lính HÃM HIẾP". Họ quên mất rằng, ngày xưa, chơi có nghĩa là chơi, thuần túy, chứ không mang nghĩa "quan hệ tình dục" như ngày nay.



TẠM KẾT LUẬN

Nghiên cứu lịch sử, nhìn nhận lịch sử là điều tốt, nhưng mượn danh nghiên cứu lịch sử để nhào nặn lịch sử theo ý mình bất chấp sự thực thì là hành vi đáng lên án.

Một thông tin luôn có 3 lớp: dối trá, sự thật và đằng sau sự thật, ngoài việc nhào nặn bóp méo sự thật thì đằng sau việc này là gì ngoài việc cố tình hạ bệ hình tượng cụ Nguyễn Công Trứ? Mục đích gì khi đưa thông tin chia rẽ nhân dân Việt - Campuchia trong bối cảnh hiện tại?

Thời chống Mỹ, chúng ta xác định chống Đế Quốc Mỹ chứ không chống nhân dân Mỹ.

Thời chiến tranh Tây Bắc, chúng ta xác định chống bọn bành trướng Bắc Kinh chứ không chống nhân dân Trung Quốc.

Thời chiến tranh Tây Nam, chúng ta xác định chống tập đoàn diệt chủng Ponpot chứ không chống nhân dân Campuchia.

Vậy nay, đối với việc phe đối lập Campuchia có những phát biểu thù nghịch với VN, mũi dùi nên chỉa vào chính ông ta, không nên có những hành động dù là nhỏ nhất chia rẽ nhân dân Việt Nam - Campuchia.
Giải độc Thông tin

33 nhận xét:

  1. Facebooker "Đon vị tác chiến điện thủ ST" này là 1 Bad Việt gốc Hoa ?
    Thanks!

    Trả lờiXóa
  2. Sự thật là trên hết! Hy vọng Giải độc được mổ xẻ bỡi những bàn tay sạch.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói đúng, sự thật sé mãi không bao giờ thay đổi được

      Xóa
  3. Khoan hãy hy vọng nơi người khác, chú thợ Kạo ? Mình hy vọng thợ Kạo lang vườn, cạo gió, giác hơi ...bằng bàn tay sạch cái đã. Vườn cải nhà lão thuốc sâu nhiều hơn cả cải đấy!

    Trả lờiXóa
  4. Cái bản đồ vương quốc Đại Nam mà Giải độc vẽ lại ở trên là vương quố Đại Nam thời Minh Mạng, có ở trong cuốn Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) đấy,
    Đến thời ông con (Thiệu Trị) nhu nhược, các phần đất ngoài cương vực bây giờ, được trả lại cho CPC và Lào. Diện tích vùng đất trả lại lớn gấp rưỡi đồng bằng Bắc bộ.

    Người uất ức nhất trong vụ này là cụ Trương Minh Giảng, một lão thần có công trong việc hoạch định biên giới thời đó, đến nỗi cụ thổ huyết mà chết.

    Lùi lại xa hơn, thì đế quốc Khmer, đã từng có thời làm chủ cái bản đồ còn khủng hơn nhiều (đến giáp Malaixia và Miến điện).

    Triều vua Suryavarman II, đế quốc Kh'mer từng phát động cuộc xâm lăng các quốc gia lân cận gồm vương quốc Haripunjaya của dân tộc Môn (nay là miền Trung Thái Lan), tiếp đến là một phần đất khá rộng về phía Tây thuộc vương quốc Pagan (nay là Myanma), ở phía Nam là vương quốc Grahi (nay là tỉnh Nakhon SiTham Marat Thái Lan) thuộc khu vực bán đảo Malay cũng bị Suryavarman II chiếm đất. Một phần đất Chiêm Thành phía Đông cũng bị chiếm mất và uy hiếp cả Đại Việt về phía Tây. Trong khoảng thời gian từ năm 1145 – 1149, đế quốc Chân Lạp hùng mạnh đã nuốt chửng Chiêm Thành vùng đất phía Bắc, xem như đã tiếp giáp biên giới Đại Việt ở phía Nam.

    Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1128, hơn hai vạn quân Chân Lạp do đích thân vua Suryavarman II thống lãnh vào bến Ba Đầu ở châu Nghệ An, vụ này thừa dịp vua Lý Nhân Tông lâm bệnh sắp chết, (nhưng vua soạn sẵn di chiếu dặn tổ chức tang lễ bình thường trong ba ngày, và phải chuyên tâm mài gươm, mài giáo chuẩn bị đánh giặc)

    Khoảng nửa năm sau, vua Suryavarman II huy động thêm thủy binh trên 700 thuyền chiến quay lại đánh phá vào hương Đỗ Gia thuộc châu Nghệ An (nay là Hà Tĩnh) báo thù .

    Năm Nhâm Tý 1132, vua Suryavarman II hội quân với Bắc Chiêm Thành, hợp nhau tấn công vào châu Nghệ An của Đại Việt.

    Sau thất bại, Chân Lạp và Chiêm Thành đều cử sứ giả đến Đại Việt cầu thân, thuần phục. Nhưng chỉ hai năm sau, Suryavarman II lại sai tướng Phá Tô Lăng mang thêm mấy vạn quân vào đánh Nghệ An lần thứ ba.

    Năm 1150, vua Suryavarman II lại thân chinh mang quân tấn công vào Đại Việt.

    “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ ghi lại quân xâm lược và vua Chân Lạp Suryavarman II gặp phải bệnh tật, chướng khí trong rừng núi nên tử vong rất nhiều và tự tan vỡ.

    Suryavarman II là một vị vua vĩ đại, tài giỏi và giàu tham vọng nhất của đế chế Khmer đã có kết cục rất bi thảm tại vùng núi Vụ Ôn tức Vụ Quang (Hương Khê – Hà Tĩnh) ngày nay.

    Vậy ta và "bạn" nghĩ sao NẾU Suryavarman II thắng và bản đồ vương quốc Kh'mer lại rộng đến Hà Tĩnh???

    Nói chung, thời xưa, trong quan hệ "bạn, ta" quy luật "mạnh được yếu thua" đã đành, nhưng phần lớn là do phía "bạn", cha con dòng tộc tranh chấp nhau, (bây giờ gọi là nhà bất đồng chính kiến) rồi chạy sang Việt (hoặc Xiêm) dâng đất đổi lấy sự báo thù.

    (Còn về cụ Nguyễn Công Trứ trong hành trình Nam tiến, xin mời đọc thêm cuốn Lịch sử khẩn hoang Miền Nam của tác giả Sơn Nam, viết khoảng 1971-73, Saigon).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình OK ý kiến này của Bác LEE!. Người K bây giờ căm thù ta vì việc mất đất trong thời gian gần đây, nên họ còn nhớ. Họ quên trước đó Chenla của người Khmer diện tích bao lớn? Ở đâu?Đúng là nguyên nhân chính do nội bộ họ , nhưng nó cộng hưởng với lòng tham của các lân bang nên mới ra nông nổi này!!

      Xóa
  5. ý của Rận Chí Tâm là VN nên căm thù ;))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nên đọc kỷ càng một chút! Tôn trọng người chính là tôn trọng mình!

      Xóa
    2. Bạn nói đúng, tôn trọng người chính là tôn rọng mình

      Xóa
  6. Chào bác. Hôm nay có người bạn giới thiệu vào trang blog của bác tôi mới giật mình biết chuyện có người nghe những lời bình luận của mình mà viết ra 1 bài viết như thế này.

    Tôi hiện rất bối rối, không ngờ sự thể lại đổ đốn ra như thế. Để đính chính, tôi xin được trình bày lại với bác toàn bộ sự việc như sau. Lời văn có thể rất lủng củng, mong bác bỏ qua cho:

    Tôi vốn không có thiện cảm với Minh Mạng. Nguyên nhân đất nước ta suy kiệt ngay trước khi Pháp xâm lăng, nói cho sâu xa cũng là vì tổn hao người/ của vào cuộc chiến ở Cam do Minh Mạng phát động. Mà nguyên nhân cũng rất kì cục. Ban đầu ta giải phóng Cam khỏi Thái, đáng ra phải có lợi về nhân hòa ở đó. Nhưng sau đó, Trương Minh Giảng không biết để binh lính làm gì mà đến nỗi mất cả lòng người, khiến bùng nổ cuộc chiến không đáng có, kéo dài đến tận đầu triều Tự Đức. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng người Cam có thù hằn ta như bây giờ quyết ko phải vì chuyện Nam Bộ. Theo tôi, đó là do hành động để quan quân làm càn, tự gây tiếng ác không đáng có của Trương Minh Giảng, mà Minh Mạng phải chịu trách nhiệm gián tiếp không theo dõi kĩ tình hình.

    Quan điểm cá nhân tôi là như thế, nhưng hiện có rất nhiều bài vở trôi nổi trên mạng, ca tụng Minh Mạng quá lời và dìm Tự Đức quá đáng. Mỗi khi nhắc đến Minh Mạng, y như rằng họ lôi ngay chuyện về Cam ra tung hô là “ vũ công chói lọi” dù thực chất đó chỉ là 1 cuộc chiến chẳng có lợi lộc gì cho dân tộc ta ( thực ra ta có “ mở cõi” them được gì từ Minh Mang đâu. Có bao nhiêu thì mất hết ngay khi ông ta chết, đã vậy còn kiệt quệ trầm trọng). Mỗi lúc gặp chuyện như vậy, tôi thường chỉ rõ sai lầm của Minh Mạng, cốt là 1 cách thanh minh với phía Cam ( nếu họ biết đọc…tiếng Việt) nhưng chủ yếu là tìm cách uốn nắn cách nghĩ của người Việt ta theo ý mình: mối hận thù của 2 dân tộc thực ra là do hành động điên rồ của Minh Mạng, không liên can gì đến dân tộc Việt, người Việt không nhắc đến nhưng cũng không thi vị hóa nó, họ vẫn nghiêm túc chỉ ra sai lầm này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiện nay có rất nhiều bài viết có nội dung rất khác nhau; người đọc nên phân tích và tìm hiểu để có cái nhìn đúng

      Xóa
  7. Nhưng vấn đề ở chỗ, nhắc Minh Mạng là nhắc đến Nguyễn Công Trứ. Có rất nhiều người khen cụ Trứ mà chê cụ Nguyễn Tri Phương theo kiểu “ nếu cụ Trứ còn sống thì chẳng thua Pháp thế này”. Sự tang bốc quá đáng cụ Trứ, cộng với tính cách kì dị của cụ mà tôi vốn không có thiện cảm, càng làm tôi trở nên ghét cụ hơn. Giờ nghĩ lại, tôi ghét cụ về việc cụ làm 1, thì ghét cụ vì việc người ta đề cao quá đáng cụ đến 10. Kể ra thì quả tôi “ đánh” sai đối tượng vậy, khi mặc nhiên xem những lời tán dương đó như là cụ Trứ đang tự nói về mình.

    Kết quả là mỗi khi nhắc về chuyện Campuchia, tôi liền đem cụ Trứ ra làm vật tế. Gom hết mọi thứ đổ lên đầu cụ, kể cả những chuyện thât ra là trách nhiệm của Trương Minh Giảng. Trong lúc chống lại quan điểm đề cao cụ 1 cách cực đoan, tôi sa vào 1 phía cực đoan khác là tìm mọi cách dìm cụ xuống.

    Cuối cùng, có lẽ bạn trên fb kia đã đọc được bài cãi lộn của tôi ở 1 forum nào nó có topic về Minh Mạng hoặc Nguyễn Công Trứ, rồi dựa vào cách hiểu bản thân, cậu ta viết thành như trên. Ngay những lúc cãi nhau về Minh Mạng và Nguyễn Công Trứ, tôi vẫn cãi theo kiểu “ bình luận quán café”, theo quan điểm quán triệt “ đây là lỗi lầm của riêng Minh Mạng và Nguyễn Công Trứ, không liên quan đến người Việt ( nhiều lúc tôi gần như quên luôn Trương Minh Giảng)” cho nên các luận điểm được dẫn chứng thường sai và nhiều khi bậy bạ, còn ý tứ thì cốt đổ hết mọi thứ lên 2 vị trên. Để rồi đến phiên bạn Điện Tử xào viết lại 1 lần nữa, hành ra bài viết trên quan điểm đổ tội lỗi lên đầu 2 cụ để cố chứng minh người Việt vô can cuối cùng trở thành 1 bài trông như là tố cáo tội ác của người Việt ở Campuchia như bác đã thấy.

    Dù chưa từng biết bạn Điện Tử là ai, chưa từng có suy nghĩ sẽ viết 1 bài có nội dung như vậy ( từ mấy cái câu cũ cãi lộn kiểu chit chat, trích dẫn sai nhiều chỗ mà viết thành 1 bài nghiêm túc thì là 1 quãng đường xa lắm), nhưng không thể nói là tôi vô can trong chuyện này. Lỗi của tôi là gieo thông tin sai lệch và không ý thức được thông tin của mình có thể bị sử dụng theo những mục đích quá khác xa so với những gì mình nghĩ khi viết ra. Có lẽ việc biết được thông tin mà bác vừa nêu ra không hề đến từ một dòng cm trực tiếp nào của tôi trong fb của bạn Điện Tử nọ ( tôi còn chẳng biết là tôi có biết hay từng cm trong fb của cậu ta khi nào hay không. Sau khi nhìn thời gian được nêu trong hình chụp tôi mới thở phào là thời điểm tháng 8/ 2013 tôi không thể nào làm chuyện đó ( lúc đó tôi đang căng mắt ngồi thống kê các địa danh ở VN liên quan đến 3 cuộc chiến chống giặc Mông Cổ, nhằm góp sức cho Emobi. Mà không đời nào tôi đi viết những dòng trên nhân chuyện ai đó bên Cam kêu réo. Vốn dĩ tôi cố chứng minh “ đây là trách nhiệm của riêng Minh Mạng” thì không thể nào viết 1 bài mà người ta đọc vào hiểu thành “ tội ác của người Việt ở…”). Tôi thường cố gắng tỏ ra khách quan và tự nhủ phải khách quan khi phân tích các sự kiện, nhưng sau vụ này nhìn lại thì thấy rõ là tôi vẫn còn những nhận xét rất cảm tính. Và những nhận xét đó trở trên nguy hại khi có người sử dụng mà không kiểm chứng lại như bác đã thấy.
    Dù sao đi nữa, sau chuyện này, tôi sẽ thận trọng hơn trong những bài viết trên mạng của mình. Chân thành xin lỗi các bác về sự cố đáng tiếc này. Hy vọng nó chưa trở nên quá nghiêm trọng.

    Trả lờiXóa
  8. Nhân đây, tôi cũng xin được tâm sự 1 số ý kiến như sau.:

    1/ tôi cho rằng chủ trương tránh nhắc lại chuyện Minh Mạng của nhà nước ta là rất đúng đắn. Nhưng vấn đề là có rất nhiều người VN trên mạng lâu lâu họ cứ rêu rao về vũ công của ông vua này ( dù nhìn về mức độ thành công hay lợi ích quốc gia thì nó chẳng đáng gọi là vũ công). Chắc chắn, có những người Cam biết tiếng Việt sẽ đọc được những dòng như thế và đem về tuyên truyền ở nước họ theo hướng bất lợi cho ta. Theo tôi, việc giải thích cho rõ rằng thành tích binh nghiệp của Minh Mạng ở Cam chỉ gây hại chứ không có lợi và chỉ đáng để dân ta chỉ trích thay vì tự hào là rất cần thiết. Nhưng cụ thể, ta nên phân tích và đề cập vấn đề như thế nào để không xảy ra tình trạng đáng tiếc như tôi vừa vô tình gây ra ở trên????

    2/ tôi cho rằng việc để mọi người tiếp cận sử sách để trang bị kiến thức và kiểm chứng các thông tin là rất nên. Nhưng sự thật là rất khó tìm mua những bộ sách sử xưa. Tôi đến giờ chỉ mới tìm được Đại Nam Liệt Truyện và 1 số sách sử như Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Còn những sách như Đại Nam Thực Lục Chính Biên hay Minh Đô Sử tìm mãi đến nay vẫn không tìm được. ( thông tin Minh Đô Sử về NCT tôi lấy từ 1 bài phân tích về Nguyễn Công Trứ trong 1 cuốn dạng NCT – tác gia tác phẩm, khổ A4, bìa dày màu trắng; còn Đại Nam thì lấy từ 1 nguồn…mạng nên chẳng trách sao ngày tháng trích dẫn sai. Riêng vụ đầu bếp lò hay hãm hiếp bên Cam có lẽ là bạn Điện Tử thêm vào, vì nhắc đến Nguyễn Công Trứ thường tôi chú trọng nhấn mạnh sự bất sự của ông này ở Campuchia hơn là những vụ đó). Nếu bác biết 1 nguồn chuyên bán những sách loại này, rất mong bác chỉ cho tôi, tôi sẽ giới thiệu đến đông đảo những người khác, để càng nhiều người có thể tiếp cận thông tin gốc nhằm trang bị cho “ bộ lọc thông tin” của mình.

    3/ Việc tranh luận trái chiều là luôn xảy ra, vậy phải làm sao để các ý kiến của mình không bị ai đó sử dụng và hiệu theo cách gần như ngược lại cách hiểu và sử dụng của mình? Tôi định ghi trước mỗi bài viết của mình “ bài viết mang quan điểm cá nhân, nếu có bất cứ ai muốn sử dụng, xin hãy kiểm chứng lại thông tin trong bài viết trong bài viết lần cuối trước khi dung”. Nhưng nhỡ người ta lờ đi và xóa luôn dòng đó thì cũng vô hiệu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói đúng, chúng ta cần tìm hiểu kỹ từ các cuốn sách thời xưa để có nhìn nhận đúng; bởi chúng ta chỉ được tiếp cận qua các thông tin mà thôi

      Xóa
  9. 4/ Nếu phát hiện những luận điệu sai trái trên mạng thì tôi nên thông báo cho nhà nước qua kênh nào để nhận sự hướng dẫn đối phó?( VD: ai đó kích động thù hằn dân tộc. Tôi nói không đâu xa, ngay tháng này, trong lúc cậu Điện Tử viết bài trên, tôi cũng đang viết 1 project vẽ phục dựng các thần thú trong văn hóa Việt, bao gồm 54 dân tộc anh em. Tự dung có 1 anh VN đâu nhảy vào phán: thần thú Việt thì phải ưu tiên người Kinh chứ sao lại làm về người thiểu số. Người này còn xa gần so sánh việc tôi tổng hợp xếp 54 dân tộc ta ngang hàng nhau là rỗi hơi, “ ko khác gì TQ mà đi quảng cáo cho văn hóa Tây Tạng, Nhật đi làm về Okinawa”. Lúc đó tôi cáu lắm, so sánh 54 dân tộc với việc Nhật xâm lược Okinawa là ý gì? Nhưng lúc đó ko có ai hướng dẫn, tôi chỉ biết nói nhăng cuội dài dòng lôi thôi, chẳng tới đâu cả).


    5/ Im lặng cũng ko phải là cách hay. Vì mình im chứ phía bên kia vẫn nói như thường, mà nhiều lúc them mắm dặm muối nữa. VD tôi từng đọc 1 blog tiếng Anh của người Cam, họ kể tôi rằng chính phủ ta đuổi dân Cam ở Nam Bộ về nước vào năm…1947 ( nam 1947, Nam Bộ đang do ai thống trị mà có chính phủ ta ở đây?). Hay mấy tháng trước, trên youtube, tôi lân la hỏi mới biết bên Cam họ được tuyên truyền rằng việc Cam sát nhập Phù Nam phải được xem là… nội chiến thống nhất. Lý do là Cam họ bảo 2 nước đó cùng văn hóa, cùng dân tộc ( có trời mà kiểm chứng được) nên Cam hay Phù Nam tuy 2 mà 1, nên ko thể bảo là Cam xâm lược Phù Nam. Nói như thế để thấy họ có những mưu chước để hợp lý hóa việc “ mở cõi” của họ, nhiều khi nghe thấy rất kì cục. Hay việc họ 5 lần xâm lăng nước ta vào đời Lý dù ta chẳng đụng gì đến họ, hay việc họ đô hộ Champa vì tội ko chịu cùng đánh Đại Việt, họ cũng chẳng buồn nhắc. Họ chỉ kể sơ sơ “ thời Khmer Empire là thời đại huy hoàng đánh tự hào của người Cam ta”. Trong tình trạng họ bắc loa nói ầm ầm còn ta cứ im lìm thì xảy ra chuyện thế giới dần nghe theo họ ( tôi đã thấy có manga Nhật viết về Campuchia)



    Vì tôi đoán có lẽ bác Giải Độc là 1 cán bộ thuộc nhà nước ( vì cách nói chuyện nghiêm túc hẳn, ko giống kiểu teen nói năng đại khái bừa bãi) nên tôi mới tâm sự như vậy, không biết nhà nước mình về mạng, có bất kì cơ quan nào được lập ra mà có chức năng hướng dẫn, giúp đỡ về những chuyện như vậy hay không. Vậy thì rất may mắn cho tôi, rất mong bác có thể hướng dẫn, định hướng giúp tôi 1 số việc nhằm tránh tái diễn tình trạng đáng tiếc như tôi vừa vô tình gây ra ở trên. Còn nếu không phải thì tôi rất xin lỗi vì đã bắt bác phải đọc cả đoạn dài lê thê như vậy. Dù sao cũng rất cám ơn bác đã sửa lỗi cho tôi.

    Trả lờiXóa
  10. Nghiên cứu lịch sử cần tâm thế tôn trọng sự thật và chỉ có sự thật, trong lòng mà thù ghét hay yêu quý thì nên xếp bút lại đi bác Nặc danh21:13 Ngày 16 tháng 8 năm 2013 ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói đúng, đã nói về lịch sử thì phải tôn trọng sự thật

      Xóa
  11. Tôi cũng từng nói và nghĩ như bác khi bản thân gặp những trường hợp tương tự. Nhưng nhìn kĩ lại, dốt mà im miệng không nói ra, muôn đời ko ai nói là mình sai thì muôn đời mình sẽ ảo tưởng mình đang nghĩ đúng vấn đề bác ạ.

    Tôi vẫn luôn quan niệm là nhận xét về lịch sử phải khách quan, nhưng nhiều lúc vẫn bị tật xấu chi phối như bác thấy. Nhưng thà là nghe chửi mà mình nhận ra mình sai, rồi tự sửa mình còn hơn là im miệng mà cứ đinh ninh mình đúng. Có thể cả đời tôi cũng ko bỏ hết tật xấu được đâu, nhưng có thể sau mỗilần tôi lại bỏ được một ít. Đó là ưu điểm của tranh luận và phản biện.

    1 bài viết kiểu ất ơ của tôi được viết cách đây rất lâu mà có thể được dùng để viết 1 bài dạng nghiêm túc như anh Điện Tử, qua đó cũng đủ thấy là bộ lọc thông tin của nhiều người VN về lịch sử là rất yếu, nên họ sẵn sàng tin mọi thứ họ đọc mà không suy nghĩ hay kiểm tra. Chính vì vậy mới càng cần tranh luận, để họ nói ra để có người phát hiện họ nói sai, nghĩ sai để mà sửa lại. Ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại thật, nhưng mà im miệng không nói ra thì khi nói ra có khi còn gây hậu quả lớn hơn.

    1 lần nữa cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu nghiêm túc như bác nói, thì nên có cái danh chứ nặc thế này ai biết là ai!

      Xóa
    2. Vả lại theo những gì tôi biết thì vụ hạ bệ cụ NCT đã bắt đầu từ nhiều năm trước, việc quan hệ Việt - Cam hiện nay chỉ là cái cớ để vụ này tiếp tục mà thôi.

      Xóa
  12. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  13. Với cái tít của bài này, tôi e bạn sẽ bị an ninh sờ gáy đấy ! Đây chính là cách làm của lịch sử đương đại Việt nam

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghĩ cứ viết đúng sự thật thì không ngại, chỉ sợ viết sai sự thật lịch sử thôi

      Xóa
  14. chuyện nặc danh ko phải do tôi muốn, mà đơn giản là do tôi chưa dùng blog lần nào nên không rõ các ứng dụng của nó, lại đang gấp nên chỉ biết viết bằng phần nặc danh.


    2 hôm nay, tôi đang mò lại bài viết của mình ở các forum để viết đính chính thông tin cho từng bài, luôn tiện cố tìm lại xem phần nội dung gốc của tôi chiếm những chỗ nào trong bài viết của bác Điện Tử. Nhưng vấn đề là bài viết mà bác Điện Tử dựa vào là lấy ở link nào, bác ấy vẫn chưa chịu hồi âm.Tôi cũng có hỏi bác ấy văn bản mà bác sử dụng để viết bài là nằm ở link nào nhưng bác ấy tới giờ chưa thấy trả lời, nên tôi phải tự mò. Tôi không nhớ bao nhiêu % của đoạn sau là do tôi viết ra, nhưng tôi nhớ câu đầu tiên " Nguyễn Công Trứ được lệnh, mà không phải được mà do tự xin đi qua đánh Cam." thì tôi nhớ đúng là do tôi viết. Mà bài viết có khởi đầu như thế thì đến giờ tôi vẫn chưa tìm ra được. Khi tìm ra được bài viết gốc tôi sẽ báo cáo sau. Xin cám ơn bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thật vậy không Dê Vón, ngay khi Khoằm đọc được thông tin về bài viết bên TCĐT Khoằm đã biết cần tìm bài gốc tại đâu, lẽ nào một người "cha" lại không thể nhớ ra "đứa con" của mình lưu lạc phương nào?

      Nè: http://lichsuvn.com.vn/forum/showthread.php?t=7577

      Xóa
  15. Tôi đang tìm 1 bài viết có dòng " Nguyễn Công Trứ được lệnh, mà không phải được mà do tự xin đi qua đánh Cam.". Theo trí nhớ bản thân thì hình như tôi có viết 1 dòng như vậy ở đâu không còn nhớ được. Tra trên topic trên ở lichsuvn thì không thấy, cho nên tôi mới nói là không nhớ nó nằm ở đâu ( hoặc thậm chí là có bài viết nào thật sự có 1 dòng đầu tiên như vậy hay không nữa). Tôi thì nghĩ rằng bác Điện Tử đã dựa vào bài viết đó để viết lại thành bài của bác ấy, cho nên tôi phải cố tìm lại ( bác ấy tới giờ vẫn không trả lời).

    link trên lichsuvn được viết với thái độ căm thù nặng nhất, ném đá dữ dội nhất và không đếm xỉa nhiều đến lý luận hay chứng cớ nhất. Chưa kể mỗi bài viết thường rất dài và lan man, đặc những câu chửi, giờ bản thân đọc lại mà cũng thấy ngượng.

    2 hôm nay tôi đọc lại toàn bộ, tóm gọn lại nội dung của 5 trang topic nọ như sau: hầu hết là chửi bới quanh chuyện “ thuyền quyên ứ hự” và hát ả đào của Nguyễn Công Trứ, phần nói về Trà Lũ và Campuchia thật ra rất ít. Nói như thế không phải là để giảm nhẹ trách nhiệm.

    Dưới đây là những dòng do tôi viết trong topic mà có lẽ bác Điện Tử đã dựa vào rồi triển khai thành bài viết của bác ấy ( không biết tôi có nói gì ở những bài viết khác mà bác ấy sử dụng thêm không, ở đây chỉ dựa trên forum về Nguyễn Công Trứ trên lichsuvn mà thôi):

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta chỉ nên tin vào các tài liệu chính thống đã được kiểm chứng; còn các thông tin trên MXH thì rất nhiều nhưng không được kiểm chứng

      Xóa
  16. - Trà Lũ: ban đầu còn viết là “ khắc tổ tôm lên người cho lính chơi thỏa thích”. Càng về sau, chửi nhau càng hăng, tôi sửa luôn thành hiếp. Đó là 2 dòng dưới đây:

    “Hồi trẻ thì đang đêm rape cô đào, lớn lên thì đánh rebel force rồi cho lính rape 500 người, qua Campuchia thì chặt đầu đục bia”
    “ Thân là chỉ huy lẽ ra phải làm gương, thế mà dám tự tiện đầu têu bày trò dâm đãng cho binh lính “


    - Campuchia: ban đầu là cãi nhau quanh 2 vấn đề “ tài cầm quân của Nguyễn Công Trứ đã bị phủ nhận trên chiến trường Campuchia” và “ Nguyễn Công Trứ có tự ý rút quân về, không chịu đánh Campuchia hay không”. Càng về sau, cãi trở thành chửi bới, nên tôi bắt đầu nói loạn về Nguyễn Công Trứ trong 4 đoạn sau:

    - "Hồi trẻ thì đang đêm rape cô đào, lớn lên thì đánh rebel force rồi cho lính rape 500 người, qua Campuchia thì chặt đầu đục bia"
    - " đánh Campuchia cùng với Trương Quang Ngọc giết/ rape như rạ, bị dân Cam đánh cho phải rút về, bị cách tuột vì tội useless "
    - " NCT đã lập cả quân lưu manh đi đập phá Cam,"
    - " yêu cầu triều đình thả những tên côn đồ, hung thủ hơn 3000 tên ra sung vào lính để tăng cường đội quân đàn áp Cam của hắn, thậm chí còn sẵn sàng hứa hẹn sẽ cho phép lũ vô lại này cướp đất lập làng ở bản xử nếu thành công."

    Riêng về phần Campuchia, có 2 ý chính trong 4 câu này:

    1/ gộp chung Nguyễn Công Trứ vào các tội lỗi do quan quân gây ra ( “ đục bia”, “ hãm hiếp”), mặc kệ nó diễn ra sau hay trước thời gian Nguyễn Công Trứ ở Chân Lạp, mặc kệ luôn chuyện nó do ai gây ra, cũng đều đổ vào Nguyễn Công Trứ cả. Cụ thể ở 1 đoạn nêu trên là tôi gộp Nguyễn Công Trứ vào chung với Trương Minh Giảng ( viết nhầm cả tên Trương Minh Giảng thành Trương Quang Ngọc).

    2/ Do kì thị Nguyễn Công Trứ nên miêu tả luôn đội quân tù phạm 3000 người sang Chân Lạp để “ đập phá”, “ cướp đất lập làng”.




    Trả lờiXóa

  17. Đó là phần do tôi viết. Đến lượt bác Điện Tử thì có thêm 2 chi tiết nữa được triển khai thêm vào:

    1/ Chi tiết bếp đầu người có được tôi nhắc đến ở đầu topic, không phải chôn sống như bác Điện Tử viết, mà là sắp đầu làm bếp. Đó là thông tin tôi nghe phong phanh được, thấy mơ hồ quá nên đem vào forum để hỏi xem ai có thể chứng thực không. Mọi người cùng xác nhận là câu chuyện này mơ hồ, đó giờ mới nghe ( có người lại nghe phong phanh là chuyện thời … Lý Thường Kiệt). Cho nên kết quả là chuyện này bị bỏ ngỏ, không ai có bất cứ khẳng định gì cho Nguyễn Công Trứ. Cả tôi đến hết trang 5 cũng không khẳng định hay nhắc lại câu chuyện này. Cũng có thể phía bác Điện Tử đọc cụm từ “ chặt đầu đục bia” rồi hiểu là chặt đầu để làm bếp? Nhưng chém đầu, xử tử kẻ địch ngày đó đều bằng hình thức chặt đầu, từ chặt đầu đến làm bếp đầu người là 1 khoảng cách rất xa.

    Tóm lại, chi tiết bếp đầu người mà bác Giải Độc khẳng định là do Khmer Đỏ bày ra, tôi không hề áp đặt nó vào Nguyễn Công Trứ dù bài viết tôi ngày đó chửi bới ông ấy rất nặng nề, ít nhất là trong giới hạn forum này.

    2/ Riêng về hành động của 3000 tội phạm kia, lúc đó chủ yếu cốt chửi nhau thật nặng nên không quan tâm tìm hiểu cho thật kĩ, cho nên tôi cũng nói theo kiểu đại khái là “ đập phá”, “ đàn áp”, “ cướp đất lập làng”. Đến bác Điện Tử thì các chi tiết “ phá tượng Phật, đốt nhà, đền chùa,…” bắt đầu được thêm vào.





    Dựa trên topic về Nguyễn Công Trứ trên lichsuvn ngày đó đọc lại thì quá trình hình thành các ý tứ trong bài viết của bác Điện Tử từ bài viết của tôi là như vậy. Tôi cũng không chống chế, lỗi nặng của tôi ngày đó là lo ném đá, chửi bới Nguyễn Công Trứ thật thậm tệ, bỏ qua chuyện tìm hiểu và thu thập cứ liệu lịch sử kỹ lưỡng. Đến khi việc chửi bới lên cao trào thì bắt đầu tôi có hành động thêm thắt hay đổ chuyện xấu của người khác lên Nguyễn Công Trứ, để rồi đến nay, các bài viết đó tạo cảm hứng cho bác Điện Tử viết lại về vấn đề Campuchia, với chi tiết còn khủng khiếp hơn.





    Hiện tôi đang phân vân cách giải quyết topic trên lichsuvn nọ, mong các bác cho ý kiến để tôi thực hiện cho phải phép:

    1/ Xóa topic.
    2/ Xóa toàn bộ bài trong topic, trừ bài đầu tiên, thay bằng 1 bài viết xin lỗi. Sau đó lock topic.
    3/ Xóa toàn bộ bài trong topic, trừ bài đầu tiên, thay bằng 1 bài viết xin lỗi. Sau đó dùng topic làm nơi post tư liệu nghiêm túc về Nguyễn Công Trứ, phân tích kỹ càng các mặt của Nguyễn Công Trứ lại từ đầu, theo hướng nghiêm túc, không thóa mạ như trước. Tóm lại là thay máu cho topic.

    Cá nhân tôi thì nghĩ phương án 1 giống như xóa chứng cứ vậy, nên cũng không ổn lắm. Vậy nên theo các bác, cách nào là ổn nhất?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tốt nhất những chuyện chúng ta không rõ thì không nên chia sẻ; bởi khi chia sẻ thì rất nhiều người hiểu lầm và phán tùm lum

      Xóa
  18. Người xưa thường nói " bắn tên phải nhắm xa hơn cái mốc. Để nếu tên không bay đến nơi mình nhắm thì cũng đến cái mốc " Do đó, việc lập trấn Tây Thành cũng là một cách để bảo vệ miền Nam. Hoặc như không giữ được trấn Tây Thành thì cũng có vùng đệm. Nếu như nhà Nguyễn không can thiệp vào Cao Miên khi ấy, chắc hẳn người Xiêm đã lấy đất Cao Miên dễ dàng rồi uy hiếp miền Nam. Còn suy nghĩ nhà Nguyễn phải đối xử nhân từ đối với Cao Miên để lấy lòng dân họ thì là chuyện viễn tưởng trong thời đại ấy. Dù ta có nhất mực nhân từ, người Campuchia cũng không bao giờ ủng hộ Việt Nam ta. Bởi vì ta nhường họ Nam Vang thì họ đòi Hà Tiên, ta nhường họ Hà Tiên thì họ đòi toàn bộ đất Chân Lập. Như ngày nay họ vẫn đòi lấy lại miền Nam của Việt Nam. Dù ta có cứu họ khỏi nạn diệt chủng, hay ta có rút quân về nước thì họ vẫn ghét người Việt bởi vì lòng tham con người là vô đáy và thù hằn thì quá nhiều.

    Trả lờiXóa
  19. Lịch sử là lịch sử, không thể nhào lặn hoặc xóa bỏ lịch sử

    Trả lờiXóa
  20. Nói và viết về lịch sử, thì phải tôn trọng lịch sử

    Trả lờiXóa